Nuôi cá không chỉ để ăn

Từ sáng sớm, thầy Tạ Hoàng Bảnh đã cùng sinh viên lớp thuỷ sản của mình tập trung tại trường đúng giờ để thử nghiệm theo dõi bài giảng từ đại học Harvard hàng đầu thế giới. TS David Bergemann trình bày chuyện làm sao từ một sinh viên thích nuôi cá lại kiếm được học bổng sáng giá không chỉ để vừa sống khá giả ở Mỹ vừa theo đuổi thú vui, mà còn từ ngành thuỷ sản chuẩn bị chuyển sang làm giáo sư ngành y khoa.

Bí quyết nằm ở những chú cá Zebrafish, có khả năng tái tạo lại các mô đã mất. Ngành y khoa ở các trung tâm nghiên cứu hàng đầu trên thế giới đang đi theo hướng tìm cách tái tạo lại các bộ phận đã mất trên cơ thể (regeneration), ví dụ như tế bào bê-ta ở tuỵ khi biến mất gây ra bệnh tiểu đường, hay thái hoá mô ở tim gây đột quị, và tai nạn làm mất tế bào neuron thần kinh gây liệt toàn thân. Câu trả lời đang được trường y khoa của Đại học Harvard tìm kiếm từ các bể kiếng nuôi cá Zebrafish, giống như chúng ta nuôi cá trong hồ kiểng ở nhà mà quan sát và nghiên cứu vậy.

 

Các vấn đề mới mẻ đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cả lớp, tới nỗi dường như không còn ai nhớ rằng mình đang nghe bài giảng bằng tiếng Anh, và là giáo trình từ môi trường giáo dục số một trên thế giới. Đúng vậy. Đó chính là mục tiêu đầu tiên của bài giảng này, giúp sinh viên làm quen với môi trường đào tạo hàng đầu trên thế giới và tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật mới nhất để phát triển quê hương. Cùng là nuôi cá tra nhưng nếu chiết suất được collagen để bán như mỹ phẩm Hàn quốc thì thu nhập cho người nông dân Đồng Tháp sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Đó là lý do tại sao cha mẹ các em cho con đi học, như lời nhắc nhở của TS Lê Thanh Hải từ chương trình phát triển khoa học ứng dụng, khi dẫn dắt bài giảng mang nội dung đổi mới sáng tạo để phát triển nông thôn mới bền vững.

 

Khi được gợi ý, sinh viên Phạm Mỹ đã cùng các bạn trong lớp nhận ra rằng không phải miếng thịt phi-lê của con cá tra mới là phần giá trị nhứt, mà đơn giản là món da cá trứng muối mới còn mắc hơn nhiều. Tương tự vậy với các chế phẩm y khoa làm từ sụn hay xương cá, và cả những thứ thuốc bổ chứa Omega 3 tức đơn giản là dầu cá nữa. Các nghiên cứu cơ bản đã có sẵn từ các trường đại học hàng đầu thế giới, hay kho dữ liệu SDMD2045 của ĐH Cần Thơ. Chỉ việc đọc và kiểm chứng lại thì đã đủ là một nghiên cứu khoa học nghiêm túc, tiếp sức chuyển giao tri thức kiến tạo nông thôn mới.

 

Từ Mỹ nhìn qua châu Âu thì Đại học Stirling Anh Quốc đang có dự án nghiên cứu trị giá gần 1 triệu USD, để chăm lo phúc lợi cuộc sống (welfare) cho các loài cá nuôi. Tức là, làm sao để cá nuôi trong hầm được hạnh phúc, vui vẻ tăng trưởng, không bị đau đớn khi đánh bắt vận chuyển, và được nhận cái chết mau chóng êm dịu khi chế biến. Vốn có nhiều trải nghiệm với nghề nuôi cá tra, sinh viên Khoa Đăng hứng thú so sánh với kiến thức bạn từng có về công nghệ nuôi bò cười, tạo môi trường cho bò vui vẻ tăng trưởng và kết quả là chất lượng thịt ngon hơn.

 

Đúng vậy. Nghiên cứu khoa học không phải là điều gì đó khô khan xa vời mà chính là các giá trị add-in làm tăng giá bán cho các sản phẩm mà người nông dân đã nhọc công nuôi trồng. Nhìn rộng hơn thì trong phạm vi một dự án sinh viên để tham gia các hoạt động đoàn hội, các bạn có thể nuôi cá để sưu tập các loài giống quí hiếm đang chịu nguy cơ tuyệt chủng, rồi ấp trứng phóng sinh tái dựng lại cơ cấu đa dạng sinh học cho sông Mekong và Đồng bằng Sông Cửu Long. Học môn thuỷ sản không đơn thuần là lên lớp ngồi nghe giảng rồi trả bài, mà trong bối cảnh hiện nay, còn là tự thực hành với sự trợ giúp từ thầy cô để cập nhật kiến thức mới và hữu dụng nhất để sẵn sàng ngày cho công việc khi ra trường.

 

/Media/dtcc_home/Images/quangcanhlophoc_15022023030729217_gocrawxu.lpi.jpg

Quang cảnh thảo luận lớp học

 

Các nhóm sinh viên có ý tưởng để xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học mời liên lạc với Chương trình phát triển khoa học ứng dụng, tại thư viện trường./.

TS.KS Lê Thanh Hải – Điều phối viên Chương trình

Phát triển Khoa học Ứng dụng,Trường CĐCĐ Đồng Tháp