Từ những tháng cuối năm 2021, khi dịch Covid vẫn còn đang hoành hành khắp nơi, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp đã từng bước tiến hành chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục, đào tạo nhằm bắt kịp xu thế phát triển chung, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Như chúng ta đã biết, trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nội dung về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã được đề cập nhiều lần. Trong đó có nêu rõ những nội dung đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học: Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; nâng cao hiệu quả đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ trên cơ sở áp dụng mô hình quản trị mới, cụ thể: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học”.
Có thể thấy, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ Internet vạn vật, Dữ liệu lớn (Big Data) đã và đang hình thành nên hạ tầng cho giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học số. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc chuyển đổi từ phương thức giáo dục truyền thống sang giáo dục trực tuyến ngày càng trở nên cấp thiết. Đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi các hoạt động của hai nhiệm vụ chủ đạo là quản lý giáo dục và dạy, học; kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Trong đó, chuyển đổi số trong quản lý gồm: số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ các cấp lãnh đạo, quản lý ra quyết định trong chỉ đạo, điều hành. Còn chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, gồm: số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến,… Quá trình chuyển đổi số sẽ làm thay đổi cốt lõi hoạt động này theo các khía cạnh: Cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước; phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên, cách học và nghiên cứu của học viên; quá trình vận động, hội nhập xã hội khi chuyển đổi số sẽ tạo ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới.

Học viên Trường CĐCĐ Đồng Tháp học thiết kế trên máy tính
Trong xu thế phát triển chung, Trường CĐCĐ Đồng Tháp đã nghiêm túc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, triển khai kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI về nội dung đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số nhằm áp dụng trong công tác quản lý, nghiên cứu, sản xuất, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Xác định rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số, ngày 22/9/2021, Nhà trường đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Chuyển đổi số trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý đào tạo số trường CĐCĐ Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025”. Trong đó, xác định rõ mục tiêu chung là: “Ứng dụng mạnh mẽ, tiên phong các công nghệ số, dữ liệu số trong tất cả các lĩnh vực giảng dạy và quản lí đào tạo, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của quản lí đào tạo, cách thức giảng dạy, làm việc, thực tập thực hành của giảng viên và sinh viên trên cơ sở kế thừa và phát huy tiềm năng vốn có về nguồn lực của đội ngũ chuyên môn, hướng đến phát triển trường CĐCĐ Đồng Tháp hiện đại và bền vững.” Trên cơ sở bám sát định hướng quan trọng đó, bước đầu triển khai chuyển đổi số giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học tại trường CĐCĐ Đồng Tháp đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Toàn trường đã nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong tình hình mới. Hệ thống mạng internet băng thông rộng và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) được trang bị đồng bộ đến các phòng, khoa, bộ phận trong toàn trường; hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý đào tạo và khoa học - công nghệ được phát triển đáp ứng yêu cầu mới về quản lý, cập nhật và lưu trữ cơ sở học liệu số; thực hiện tìm kiếm sách và tài liệu, nghiệp vụ quản lý sách, mượn và trả sách bằng phần mềm quản lý thư viện. Cùng với đó, hoạt động dạy và học trực tuyến đã được triển khai xen kẽ cho tất cả các lớp, ngành học.
Thật vậy, trong giai đoạn mới, mục tiêu của trường CĐCĐ Đồng Tháp là sớm trở thành cơ sở đào tạo chất lượng cao, đào tạo các ngành nghề mũi nhọn. Trước xu hướng chuyển đổi số, trường đang từng bước nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo thông minh, theo hướng mở, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nhằm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự thay đổi kỹ năng mới, thích ứng cao với công nghệ tiên tiến trong kỷ nguyên số hiện nay. Trong đó, chú trọng đầu tư hạ tầng CNTT đủ mạnh để ứng dụng quản trị trường và trong hoạt động dạy và học trên môi trường số. Với định hướng thực hiện số hóa bài giảng, tài liệu, giáo trình; xây dựng thư viện số; hệ thống đào tạo trực tuyến; phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa, phòng thực hành thực/ảo; tích hợp sổ điểm, học bạ điện tử,…Tổ chức hoạt động tuyển sinh; đào tạo trực tuyến; hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên trên nền tảng số,...
Thời gian tới, Nhà trường tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường năng lực về cơ sở vật chất. Để thực hiện chuyển đổi số thành công, việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật là hết sức cần thiết, đặc biệt là hệ thống CNTT và truyền thông. Đây là yếu tố then chốt, là nền tảng thực hiện chuyển đổi số, đảm bảo sự kết nối, liên thông trong toàn nhà trường; khả năng sử dụng, cập nhật, chia sẻ cơ sở dữ liệu, kho dữ liệu số trên cơ sở tuân thủ các quy định, quy chế trong đào tạo. Năng lực về cơ sở hạ tầng, CNTT và truyền thông của Nhà trường được trang bị và bổ sung hàng năm từ các nguồn ngân sách (xây dựng cơ bản; đào tạo và nghiên cứu khoa học; tăng cường cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cho các nhà trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp).
Hai là, chú trọng tăng cường nhận thức, nâng cao trình độ, kỹ năng CNTT và truyền thông cho cán bộ, giáo viên, học viên. Cần thống nhất tư tưởng, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện chuyển đổi số là vấn đề cấp bách, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dạy, học và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn tạo khung pháp lý về ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học cùng tổng thể các hoạt động khác của Nhà trường; thiết lập mối quan hệ điện tử giữa các đơn vị, cán bộ, giảng viên, học sinh sinh viên trong toàn trường.
Ba là, xây dựng đồng bộ sở dữ liệu về giáo dục, đào tạo, hoàn thiện phần mềm phục vụ công tác quản lý, dạy và học. Việc xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu về giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học sẽ tạo sự thống nhất trong các hoạt động quản lý, giáo dục. Đây là công cụ thiết thực để quá trình chuyển đổi số đạt hiệu quả cao. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm hiện nay được trợ giúp của hệ quản trị cơ sở dữ liệu tiên tiến và ngôn ngữ lập trình hiện đại.
Bốn là, xây dựng và phát triển hệ thống tài nguyên số giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, bao gồm các chương trình đào tạo, bài giảng, học liệu, giáo án, hệ thống bài tập, ngân hàng đề thi, công cụ trợ giúp giảng dạy học tập... Theo đó, học liệu mở được xây dựng đầy đủ nội dung theo chương trình đào tạo của các ngành và đối tượng. Để thực hiện nội dung này trong phạm vi toàn trường, cần phát triển, bổ sung vào phần mềm quản lý đào tạo các mô đun phần mềm số hóa được tích hợp cùng với phần mềm quản lý nêu trên để mọi cán bộ, giảng viên đều có thể tham gia vào quá trình tạo dựng, sử dụng kho học liệu số chung.
Năm là, tăng cường, duy trì phương pháp dạy và học trực tuyến. Lập kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng về thời gian, nền tảng, phương tiện để áp dụng dạy và học trực tuyến, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp. Đối với Nhà trường, việc triển khai dạy và học trực tuyến có tính khả thi, với sự trợ giúp của các phần mềm hiện đại, như Zoom Cloud Meeting (miễn phí, giới hạn về thời gian và sĩ số lớp), Microsoft Teams, công cụ Google apps for education (miễn phí),...
Sáu là, tăng cường hướng dẫn, truyền đạt kiến thức cho sinh viên học sinh để có thể trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước trong thời đại số, cụ thể, cần học tập và rèn luyện để sớm hình thành những tố chất như: Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng nghiên cứu độc lập; Kỹ năng làm việc theo nhóm; Kỹ năng tư duy sáng tạo; Kỹ năng khai thác và sử dụng công nghệ thông tin; và Khả năng cập nhật kiến thức mới…
Trên đây là những giải pháp thiết thực trong chuyển đổi số hoạt động giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Trường CĐCĐ Đồng Tháp sẽ góp phần quan trọng để Nhà trường triển khai toàn diện nội dung này, tạo bước phát triển vững chắc, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Lê Phạm Thị Minh Anh - Trung tâm NCPT&ĐBCL