GDVN – Việc chỉnh sửa mức trích lập từ 8% nguồn thu học phí cho học bổng xuống còn 5% sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục chủ động hơn trong việc cân đối thu chi.
Phương án 1: Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 5% nguồn thu học phí đối với trường công lập và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục.
Phương án 2: Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học: Học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ chính quy đối với trường công lập và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục.”
Theo phóng viên ghi nhận, đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều ủng hộ phương án 1 và mong muốn đề xuất sớm được thông qua để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận hành, tổ chức các hoạt động trong trường ngày một tốt hơn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Quang Huy – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp cho biết, việc điều chỉnh mức trích lập từ nguồn thu học phí dành cho học bổng từ 8% xuống 5% là sự chỉnh sửa phù hợp với tình hình thực tiễn của hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bởi hiện nay, nguồn thu chủ yếu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ đến từ nguồn thu học phí. Trong khi đó, ngoài các khoản chi cố định để đảm bảo công tác đào tạo thì các trường còn phải trích một phần từ nguồn thu để sử dụng cho các hoạt động khác trong nhà trường.
“Đánh giá từ thực tế, 8% được trích từ nguồn thu từ học phí để dành cho học bổng là một con số khá cao, gây “áp lực” đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt với các đơn vị đang tự chủ về tài chính hoặc đang phấn đấu tiến tới tự chủ.
Khi được giảm xuống 5%, các trường sẽ bớt một phần gánh nặng về tài chính để có thêm nguồn lực tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường qua việc phát triển, đẩy mạnh nhiều hoạt động khác như nghiên cứu khoa học, sinh viên khởi nghiệp hay tổ chức các chương trình để nâng cao kỹ năng cho người học”, Tiến sĩ Phạm Quang Huy nêu quan điểm.
Cùng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Lê Danh Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cũng cho rằng, việc chỉnh sửa mức trích lập từ 8% nguồn thu học phí cho học bổng xuống còn 5% sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục chủ động hơn trong cân đối thu chi.
Khi áp lực tài chính được giảm bớt, các đơn vị sẽ có điều kiện, nguồn lực, kinh phí để đầu tư cho cả giáo viên và người học như nâng cao trình độ giáo viên cũng như tăng cường chất lượng bài giảng, bài thực hành cho sinh viên.
Theo chia sẻ của thầy Quang, so với các cơ sở giáo dục đại học thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự thiệt thòi hơn khi mức học phí thường thấp hơn so với hệ đại học nhưng chi phí đào tạo lại cao hơn do có tỷ lệ thực hành chiếm trên 60% thời gian đào tạo.
Khi thời lượng thực hành chiếm phần lớn trong tổng thời gian đào tạo sẽ đồng nghĩa với việc gia tăng tỷ lệ tiêu hao nguyên liệu vật tư, khấu hao thiết bị…Trên cơ sở đó, buộc các đơn vị phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng và phục vụ nhu cầu đào tạo trong nhà trường.
“Hiện nay, sĩ số sinh viên/lớp lý thuyết của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội không vượt quá 35 sinh viên/lớp. Với các học phần thực hành sẽ chia thành các nhóm nhỏ từ 10 – 18 sinh viên/lớp để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Là trường công lập tự chủ chi thường xuyên và tất cả nguồn chi đều phụ thuộc vào nguồn thu học phí, bên cạnh chi phí đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phòng thực hành thì trường còn phải trích một khoản từ nguồn thi để tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cũng như tổ chức các hoạt động, phong trào khác trong nhà trường. Điều này cũng khiến cho công tác cân đối tài chính tại trường gặp nhiều khó khăn.
Vậy nên, việc trích 8% nguồn thu từ học phí để dành cho học bổng thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo của nhà trường khi phải cân đối các khoản chi. Nếu nhà trường chỉ có duy nhất nguồn thu từ học phí thì sẽ không đáp ứng được vật tư, nguyên vật liệu cần thiết để đảm bảo, duy trì chất lượng đào tạo của nhà trường”,Tiến sĩ Lê Danh Quang chia sẻ.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo cần được đẩy mạnh hơn nữa
Bên cạnh việc xây dựng học bổng để khuyến khích học tập, hiện nay, theo quy định tại Nghị định 109/2022/NĐ-CP về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, hằng năm, cơ sở giáo dục đại học trích tối thiểu 5% từ nguồn thu học phí, cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu trích tối thiểu 8% từ nguồn thu học phí cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Phạm Quang Huy, hiện nay Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp xây dựng đa dạng nhiều loại học bổng khác nhau. Điển hình như học bổng Vì sự phát triển cộng đồng; học bổng Các ngành đặc thù do trường vận động quản lý và cấp phát.
Bên cạnh đó, trường còn phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh Đồng Tháp, Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Tháp xây dựng học bổng Nguyễn Sinh Sắc; học bổng Gương sáng hiếu học; học bổng Thắp sáng ước mơ; học bổng Tiếp sức vượt khó.
Ngoài ra là các học bổng dưới sự tài trợ của các mạnh thường quân và doanh nghiệp hay các chương trình học bổng từ các tổ chức quốc tế, học bổng Internship thực tập tại Nhật, …
Đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm và chú trọng đầu tư.
Hiện nay, trường đã thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo với mục đích xây dựng một sân chơi thiết thực cho sinh viên thể hiện năng lực, thực hiện hóa những ý tưởng, giấc mơ của mình.
Hằng năm, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch triển khai với các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể. Các phòng, khoa, trung tâm được phân công nhiệm vụ trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người học được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ.
“Với tinh thần cầu tiến, hội nhập để phát triển, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp luôn cố gắng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như xây dựng thương hiệu, vị thế của mình.
Ghi nhận từ thực tế, giảng viên của trường luôn dành nhiều tâm huyết, nhiệt tình và tận tâm trong công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh việc khuyến khích, động viên người học, nhà trường cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ giảng viên khi cố gắng đầu tư, khuyến khích các thầy cô tham gia nghiên cứu để tích lũy thêm nhiều kiến thức mới, kinh nghiệm, phục vụ cho công tác đào tạo.
Tuy nhiên, vì nguồn kinh phí dành cho công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay còn hạn chế nên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu để đẩy mạnh, phát triển hơn nữa các hoạt động này.
Do đó, rất mong Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm và có sự hỗ trợ, tạo điều kiện và đầu tư hơn nữa cho hệ thống giáo dục nói chung, cho giáo dục nghề nghiệp nói riêng có thêm điều kiện nâng cao chất lượng, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên”, thầy Phạm Quang Huy bày tỏ.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Lê Danh Quang, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội rất coi trọng và luôn đặt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo lên hàng đầu.
Theo đó, hàng năm nhà trường đều tổ chức các Hội thi thiết kế đồ dùng dạy học, khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới mới sáng tạo. Cho đến thời điểm hiện tại, trường cũng đã gặt hái được nhiều thành tích cho các cuộc thi do các các cấp, thành phố tổ chức.
Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thầy Quang cho hay cần nhìn nhận khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là cơ sở quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Khi đó, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là yếu tố quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của mỗi quốc gia.
“Thời gian vừa qua, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội luôn khẳng định được chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường khi nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng và đánh giá cao từ người học, phụ huynh và doanh nghiệp.
Trong quá trình đào tạo, nhà trường chú trọng đến chất lượng và luôn luôn phấn đấu thực hiện được cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp sẽ được bố trí việc làm.
Với nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi luôn mong muốn sẽ được Nhà nước quan tâm và xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thêm điều kiện, phát huy các giải pháp, mô hình sáng tạo và áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Từ đó sẽ góp phần nâng cao trình độ lao động, rút ngắn khoảng cách tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho hay.
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/
- Thông tin tuyển sinh Cao đẳng, trung cấp năm 2024
- Báo cáo chuyên đề “Công nghệ thi công lắp ghép Nhà thép nhẹ cho HSSV ngành Kỹ thuật xây dựng và ngành Cắt gọt kim loại”
- Cao đẳng Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (Liên thông)
- Cao đẳng Cắt gọt kim loại
- Cao đẳng Công nghệ ô tô (Liên thông)
- Trung cấp Kế toán doanh nghiệp