Sáng ngày 28/7, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp tổ chức Hội nghị sơ kết Đề án Thí điểm mô hình đào tạo hệ trung cấp lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh (Mô hình Trường cấp 3 nông nghiệp Nhật Bản). Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan đến dự.
Năm học 2022 – 2023, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp triển khai giảng dạy theo chương trình đào tạo trung cấp lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao: Công nghệ thực phẩm, Trồng trọt và bảo vệ thực vật – khóa 22, với số lượng 35 học sinh. Đến nay, sau nửa khóa đào tạo, học sinh của 02 ngành cơ bản hoàn thành số tín chỉ (khoảng 59/121 tín chỉ) và các hoạt động chuyên môn theo đúng chương trình đào tạo.
Ngoài các nội dung theo chương trình đào tạo, học sinh được tham gia các hoạt động tăng cường như: Tham quan, học tập và trải nghiệm thực tế tại Nông trại Phan Nam (tỉnh An Giang); tham quan mô hình sơ chế và đóng gói rau tại Công ty Đồng Tháp Aqua; tìm hiểu những cây trồng xứ ôn đới Đà Lạt v.v..
Những học sinh này hiện vừa học chuyên môn, vừa học văn hóa (lớp 10) tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, đồng thời bắt đầu học tiếng Nhật.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao quyết tâm của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp trong triển khai Mô hình Trường cấp 3 nông nghiệp Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh đây là phương thức đào tạo mới, đến nay sau một thời gian triển khai thực hiện đã có những tín hiệu tích cực. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho biết, Đồng Tháp là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp nên rất chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, do đó việc thực hiện Đề án này là một trong những mô hình trọng tâm trong phát triển nông nghiệp của tỉnh, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Để triển khai thành công mô hình này, trong thời gian tới, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị trong thực hiện đề án; rà soát, đánh giá lại từng nội dung còn khó khăn, hạn chế để có giải pháp khắc phục cụ thể; chú trọng đến hiệu quả, sản phẩm trong đào tạo và phương pháp đào tạo; triển khai thực hiện đề án linh hoạt, thích ứng, trong đó lấy sinh viên là trung tâm trong quá trình đào tạo; tăng cường kết nối các chuyên gia Nhật Bản trong triển khai chương trình đào tạo v.v..
Nguồn: Cổng TTĐT Đồng Tháp